SẮC THUẾ LÀ GÌ ? CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH SẮC THUẾ

Sắc thuế là gì?

Sắc thuế là loại thuế, khoản tiền, hiện vật bắt buộc phải nộp cho Nhà nước khi tiến hành sản xuất, kinh doanh hay một khoản thu của Nhà nước mang tính nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi công dân, mọi tổ chức. (Theo Thư Viện Pháp Luật)
 

Các yếu tố cấu thành Sắc Thuế

Sắc thuế khi được ban hành ra thường nhằm đáp ứng các mục tiêu riêng nhưng nhìn chung thì mỗi sắc thuế đều được hình thành bởi các yếu tố sau:

Tên gọi của sắc thuế

Mỗi sắc thuế có một tên gọi riêng. Thông thường tên gọi của mỗi sắc thuế thể hiện đối tượng tác động của sắc thuế hoặc mục tiêu của việc áp dụng sắc thuế đó.

Đối tượng nộp thuế

Là các tổ chức kinh tế hoặc các cá nhân có trách nhiệm phải kê khai và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước theo các quy định cụ thể trong mỗi sắc thuế. Đối tượng nộp thuế thể hiện phạm vi áp dụng của một chính sách thuế cụ thể.
 
Trong hệ thống chính sách thuế của nước ta hiện nay, có những sắc thuế có phạm vi áp dụng rất rộng (chẳng hạn thuế Giá trị gia tăng, thuế Môn bài), nhưng cũng có những sắc thuế có phạm vi áp dụng hẹp( như thuế Chuyển quyền sử dụng đất, thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu).
 
Có những đối tượng nộp thuế chỉ kê khai và nộp một loại thuế, song cũng có những đối tượng, trong một thời gian phải kê khai và nộp nhiều loại thuế khác nhau (thuế giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Nhập khẩu), điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
 

Cơ sở thuế: là đối tượng tác động của một chính sách thuế.

Tùy theo mục đích và tính chất của từng sắc thuế, cơ sở thuế có thể là các khoản thu nhập nhận được trong một thời gian nhất định của một tổ chức kinh tế hoặc một cá nhân, tổng giá trị tài sản do tổ chức kinh tế hoặc cá nhân đó nắm giữ, tổng trị giá một lô hàng hoặc một lượng giá trị nhất định của hàng hóa, dịch vụ.
 
       tìm hiểu về sắc thuế

Minh họa: Tìm hiểu về sắc thuế.
 

Thuế suất:Là yếu tố quan trọng nhất của một sắc thuế.

Có thể nói thuế suất là linh hồn của một sắc thuế. Nó phản ánh mức độ điều tiết trên một cơ sở thuế. Do đó, thuế suất thể hiện quan điểm của Nhà nước về yêu cầu động viên nhằm khuyến khích hay không khuyến khích sự phát triển của một ngành nghề, một loại sản phẩm cụ thể nào đó. Thuế  suất là mức thu được ấn định trên một cơ sở thuế bằng những phương pháp tính toán thích hợp. Từ đó hình thành nên các loại thuế suất sau đây:
 
+ Thuế suất cố định: Mức thu được ấn định bằng một lượng thuế tuyệt đối trên cơ sở thuế. Trong hệ thống các sắc thuế đang được áp dụng ở nước ta hiện nay, thuế môn bài là loại thuế còn áp dụng thuế suất cố định. Tuy nhiên, sắc thuế này cũng có tính chất đặc biệt : Mức thu cố định được ấn định cho các đối tượng nộp thuế trong cả năm căn cứ vào mức thu nhập của đối tượng nộp thuế.
 
Các sắc thuế áp dụng thuế suất cố định tuy đơn giản và dễ thực hiện trong quá trình hành thu, song nó cũng có những nhược điểm lớn là không đảm bảo được tính công bằng. Do vậy , hiện nay thuế suất này rất ít được áp dụng ở các nước.
 
+ Thuế suất tỷ lệ: Mức thu quy định bằng một tỷ lệ phần trăm của cơ sở thuế và không thay đổi theo quy mô của cơ sở thuế. Loại thuế suất này đang được sử dụng phổ biến trong nhiều sắc thuế đang áp dụng ở nước ta và trên thế giới.
 
+Thuế suất lũy tiến: Mức thu được quy định bằng một tỷ lệ phần trăm của cơ sở thuế, nhưng tăng dần theo quy mô của cơ sở thuế.
 

– Có hai loại thuế suất lũy tiến là thuế suất lũy tiến từng phần và thuế suất lũy tiến toàn phần

 
+ Thuế suất lũy tiến từng phần: áp dụng với mức thuế suất tăng dần theo từng phần tăng lên của cơ sở thuế. Với các sắc thuế áp dụng loại thuế suất nay trong biểu thuế suất, cơ sở thuế được chia thành nhiều bậc theo mức độ tăng dần. Ứng với mỗi phần tăng lên trong từng bậc thuế đó là một mức thuế suất biên.
 
Số thuế mà đối tượng phải nộp bằng tổng số thuế tính theo từng bậc. Loại thuế này tính toán thuế và công tác thẩm tra nhìn chung khá phức tạp, nhưng nó đảm bảo cho thuế tăng từ từ, không bị đột biến cùng với tốc độ tăng của cơ sở thuế, đảm bảo tính công bằng theo chiều dọc cao và có tác dụng lớn trong việc điều tiết thu nhập. Vì vậy thuế thu nhập cá nhân đang được áp dụng ở nước ta và các nước trên thế giới, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đang được áp dụng ở nước ta hiện nay là loại thuế áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần.
 
+ Thuế suất lũy tiến toàn phần: Biểu thuế cũng bao gồm nhiều bậc với mỗi mức tăng lên của thuế suất nhưng toàn bộ cơ sở thuế được áp dụng một mức thuế suất chung tương ứng. Thuế suất lũy tiến toàn phần cho phép xác định số thuế phải nộp khá đơn giản và nhanh chóng.
 
Tuy vậy, nó cũng có nhược điểm là gây ra sự thay đổi có tính chất đột biến về tổng số thuế phải nộp của các đối tượng nộp thuế. Mặc dù giá trị của cơ sở thuế thay đổi không đáng kể, nhưng sự thay đổi này dẫn đến kết quả là đối tượng phải nộp thuế tính theo mức thuế suất tương ứng cao hơn. Mức thuế suất cao này lại được tính cho toàn bộ cơ sở thuế, do đó dẫn đến số thuế phải nộp tăng cao. Sự tăng thuế này dễ dẫn đến phản ứng từ phía đối tượng nộp thuế, và như vậy tất yếu làm giảm vai trò của thuế.
 
Hiện nay, thuế suất lũy tiến toàn phần rất ít được áp dụng.
 
+ Thuế suất lũy thoái: là loại thuế suất có tính chất ngược lại với thuế suất lũy tiến, tức là mức thuế suất giảm dần trong khi cơ sở thuế lại tăng dần. Ở một số nước trên thế giới, để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thành các công ty có quy mô lớn hơn, người ta đã áp dụng thuế suất lũy thoái đánh trên lợi nhuận của công ty.
 
Nói chung, thuế suất lũy thoái là loại thuế suất không được áp dụng phổ biến.
 
– Ngoài những yếu tố cơ bản trên đây, trong các sắc thuế, còn quy định về giá tính thuế, các vấn đề miễn giảm hoặc ưu đãi về thuế trong những trường hợp cụ thể nhằm thực hiện các vấn đề chính sách xã hội hoặc khuyến khích phát triển kinh tế.