Hotline hỗ trợ:

0981 60 60 26

Theo dõi đơn:

Đăng nhập app MISA

Thuế chống bán phá giá

Thuế chống bán phá giá là biện pháp được các nước thành viên của WTO áp dụng đối với các mặt hàng nhập khẩu thuộc diện bị điều tra khi chứng minh được các điều kiện sau:
-Có hành động bán phá giá: Được tính bằng độ chênh lệch giữa giá của mặt hàng nhập khẩu với giá của mặt hàng tương tự bán tại thị trường của nước xuất khẩu (gọi là biên độ phá giá);
-Có tình trạng ngành sản xuất của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể;
-Hành động bán phá giá có mối quan hệ với thiệt hại đáng kế nêu trên của nước nhập khẩu.
1. Thuế chống bán phá giá là gì?
Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước
Về cơ bản, thuế chống bán phá giá trong điều kiện bình thường là vi phạm các nguyên tắc của WTO về ràng buộc thuế suất nhập khẩu và không phân biệt đối xử hàng nhập khẩu; do vậy các nước đều xem thuế chống bán phá giá là biện pháp tạm thời nhằm loại trừ ảnh hưởng tiêu cực của hàng hóa nhập khẩu phá giá đối với nước nhập khẩu. Đối với Việt Nam chúng ta, các Quyết định về áp thuế chống bán phá giá do Bộ Công thương ban hành và áp dụng cho từng mặt hàng, từng thị trường cụ thể và từng giai đoạn cụ thể.
2.Những hàng hóa nào bị áp thuế chống bán phá giá?
Áp thuế chống bán phá giá được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/06/2017 với trình tự tóm lược như sau:
2.1. Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu
Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được xem xét bắt đầu từ khi Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá các giấy tờ tài liệu có liên quan của Tổ chức, cá nhân đại diện ngành sản xuất trong nước (sau đây gọi là Hồ sơ yêu cầu). Trong vòng 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ yêu cầu, CQ điều tra sẽ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của Hồ sơ và thông báo cho tổ chức cá nhân nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung (nếu cần). Thời hạn bổ sung do Cơ quan điều tra quy định nhưng không được ít hơn 30 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ.
2.2. Thẩm định hồ sơ
Thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định điều tra được thực hiện theo khoản 2 điều 70 của Luật Quản lý ngoại thương nhằm mục đích:
-Xác định tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ
-Xác định chứng cứ về việc bán phá giá, trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.
2.3. Quyết định điều tra
Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các nội dung:
-Mô tả chi tiết hàng nhập khẩu bị điều tra
-Thông tin về các tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá
-Tóm tắt các thông tin về việc bán phá giá gây ra những thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể…
-Trình tự, thủ tục điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
2.4. Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá 
– Áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời khi có kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra. Thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời không quá 120 ngày kể từ ngày Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực.
– Áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức được Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành trong vòng 15 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra có kết luận cuối cùng trình lên Bộ trưởng Bộ Công thương. 
….
Các thủ tục chi tiết, DN có thể tham khảo theo hướng dẫn tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ban hành ngày 15/01/2018 và thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20/04/2018

Đến hiện tại tháng 11/2018, Việt Nam đang áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số hàng hóa và thị trường như sau:
– Một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào VN có xuất xứ từ Trung Quốc theo Quyết định số 4243/QĐ-BCT ngày 12/11/2018
– Đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu vào VN có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc theo Quyết định số 1105/QĐ-BCT ngày 30/03/2017; số 2754/QĐ-BCT ngày 20/07/2017 và số 539/QĐ-BCT ngày 09/02/2018
Các doanh nghiệp muốn biết chi tiết từng mặt hàng, cần căn cứ mã HS của từng hàng hóa và đối chiếu với các Quyết định nêu trên.
3. Hạch toán đối với Thuế chống bán phá giá
Thuế chống bán phá giá là thuế Nhập khẩu bổ sung, do vậy cách hạch toán cụ thể như sau:
a) Khi nhập khẩu hàng hóa, vật tư ghi:
Nợ TK 152, 156…(giá có thuế Nhập khẩu, thuế chống bán phá giá)
      Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (Chi tiết thuế nhập khẩu)
      Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (Chi tiết thuế chống bán phá giá)
      Có TK 111, 112, 331…
b) Khi nộp thuế chống bán phá giá, thuế nhập khẩu vào NSNN ghi
Nợ TK 3333- Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu – tiểu mục 1901)
Nợ TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế chống bán phá giá – tiểu mục 1951)
     Có TK 111, 112
c) Trường hợp, mức thuế chống bán phá giá tạm thời cao hơn mức thuế chống bán phá giá chính thức, doanh nghiệp nhập khẩu được hoàn lại khoản chênh lệch thuế chống bán phá giá đã nộp. Khi đó, hạch toán như sau:
Nợ TK 3333- Thuế xuất, nhập khẩu (Chi tiết thuế chống bán phá giá)
     Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu đã bán hàng hóa nhập khẩu)
     Có TK 152, TK 156 – Hàng hóa (Giảm trừ giá nhập kho đối với hàng hóa)
Khi nhận được tiền hoàn lại từ NSNN hạch toán
Nợ TK 111, TK 112
     Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế chống bán phá giá)

Trên đây là những nội dung cơ bản về thuế chống bán phá giá. Kế toán Nhất Nam hy vọng cung cấp được các thông tin hữu ích cho Doanh nghiệp!
Kế toán Nhất Nam sẵn lòng hỗ trợ và cung cấp dịch vụ hoàn thuế chống bán phá giá cho Quý Doanh nghiệp có nhu cầu. Mọi thắc mắc hoặc câu hỏi xin vui lòng gửi về theo địa chỉ thư điện tử:
Công ty TNHH dịch vụ kế toán và thuế Nhất Nam
Email: taxnhatnam@gmail.com
Hotline: 0981 60 60 26
VPDD: P2108-P2117 tòa CT2C KĐTM Nghĩa Đô, ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Liên hệ tư vấn
miễn phí